BỐN CHÌA KHÓA ĐỂ GIAO DỊCH THÀNH CÔNG
“Mỗi trader thành công đều có một hệ thống giao dịch của riêng mình, mặc dù trong cùng một trường hợp và hoàn cảnh họ đưa ra những quyết định khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, tuy nhiên điểm chung giữa họ là họ luôn tuân thủ hệ thống giao dịch mà họ đã xây dựng lên. Vậy làm thế nào để xây dựng hệ thống giao dịch, dưới đây là 4 yếu tố để bạn xây dựng hệ thống giao dịch hoàn chỉnh hay tôi thường gọi đó là 4 chìa khóa để giao dịch thành công:
1. WHAT TO BUY?- MUA CÁI GÌ?
Bước đầu tiên trong việc xây dựng hệ thống giao dịch chính là xác định rằng mình sẽ mua cái gì, đây là bước đầu tiên và rất quan trọng, nó quyết định 20% thành công của bạn. Nếu bạn sai bước này rất có thể bạn sẽ bị lỗ cho dù bạn đúng các bước còn lại.
Chẳng hạn trong thị trường chứng khoán, danh mục của những trader chuyên nghiệp thông thường sẽ không bao giờ có những cổ phiếu mang tính đầu cơ, bởi vì những cổ phiếu này mặc dù có thể mang lại lợi nhuận rất nhiều trong thời gian ngắn nhưng cũng sẽ gây ra những khoản lỗ khủng khiếp chỉ trong vài ngày. Họ sẽ chỉ mua cổ phiếu của những doanh nghiệp thực sự tốt, những doanh nghiệp ăn nên làm ra, các doanh nghiệp tốt sẽ được nhiều nhà đầu tư khôn ngoan lẫn các tổ chức lớn quan tâm, vì thế khả năng họ kiếm được lợi nhuận từ các cổ phiếu này sẽ cao hơn hẳn các cổ phiếu của các doanh nghiệp tồi.
Vậy công ty thế nào được gọi là thực sự tốt, đó là các công ty có những đặc điểm như sau:
- Là công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững với mô hình kinh doanh tốt.
- Là công ty có quá khứ tốt thể hiện ở việc doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn hàng năm lên đến hai con số.
- Là công ty có kế hoạch phát triển lâu dài, tiềm năng tăng trưởng còn nhiều.
- Là công ty có nợ an toàn.
Để tìm được những cổ phiếu như thế này bạn phải biết phân tích cơ bản, biết đọc báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của doanh nghiệp.
Sau khi tìm ra được những công ty thực sự tốt, chúng ta cần lên một danh mục theo dõi hay danh mục các cổ phiếu cần quan tâm. Việc này sẽ giúp chúng ta có thể tập trung đọc thông tin, nghiên cứu sâu một số cổ phiếu cũng như những yếu tố ánh hưởng đến biến động giá của nó mà không bị sao lãng với hàng nghìn thông tin khác ngoài thị trường khiến bạn bị mất thời gian. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn chỉ nên theo dõi tối đa 20 doanh nghiệp mà bạn cho là tốt nhất, như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều bạn theo so với việc bạn lạc vào một biển cổ phiếu cùng với hàng trăm thông tin đáng chú ý trên thị trường. Nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới Warren Buffet đã từng nói rằng: “Điểm khác nhau giữa người thành công và người cực kỳ thành công là nói không với hầu hết tất cả mọi thứ”.
2. HOW MỤC TO BUY? - MUA BAO NHIÊU?
Chiếc chìa khóa thứ hai sẽ quyết định 10% thành công của bạn. Nó chính là mua bao nhiêu? Hay nói cách khác đây là cách mà bạn phân bổ tỷ trọng danh mục, cách bạn đi tiền và cả việc bạn sử dụng vốn vay. Để thành công bạn không thể cứ mỗi lần vào lệnh là mua hết 100% tài khoản cho dù bạn có tự tin đến thế nào đi nữa. Khi bạn mua quá nhiều một loại cổ phiếu, nếu bạn sai bạn sẽ mất tất cả. Nếu bạn mua quá ít, khi giá tăng bạn sẽ không kiếm được bao nhiêu. Vậy mỗi lần giao dịch chúng ta nên mua bao nhiêu % tài khoản, nó phụ thuộc vào cỡ vốn của bạn, thời điểm bạn mua, tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận và xác suất thành công lần giao dịch đó.
Sau khi bạn đã xây dựng xong một danh mục theo dõi gồm 20 doanh nghiệp mà bạn cho là tốt nhất thì bạn cần lên kế hoạch giao dịch. Nếu bạn tham gia vào thị trường mà không lên kế hoạch từ trước thì bạn rất dễ mua theo cảm tính và hay bị cảm xúc chi phối. Một kế hoạch giao dịch tốt phải mở đầu bằng việc bạn sẽ dành tối đa bao nhiêu phần trăm tài khoản cho cổ phiếu đó hay nói cách khác là cổ phiếu này nên chiếm tỷ trọng là bao nhiêu và điểm mua thứ nhất sẽ giải ngân bao nhiêu phần trăm tỷ trọng danh mục.
Khi bạn đã cơ cấu xong danh mục và đã sử dụng 100% vốn của mình bạn có thể sử dụng vốn vay để gia tăng lợi nhuận. Hãy cân nhắc khi sử dụng vốn vay vì đây là con dao hai lưỡi nó giúp bạn giàu lên nhanh chóng thì cũng có thể hủy hoại tài khoản của bạn với tốc độ rất nhanh. Lời khuyên của tôi là đừng sử dụng vốn vay nếu bạn chưa đủ giỏi. Ngược lại bạn đã trang bị đầy đủ kiến thức và nhận thấy đây là cơ hội tốt không thể bỏ qua thì hãy quyết định sử dụng vốn vay. Tuy nhiên hãy luôn nhớ rằng chỉ sử dụng vốn vay trên nền tảng là bạn đã có lãi và bạn đang trung bình giá lên. Đừng vội vàng, đừng tham lam và hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định nếu không có thể bạn sẽ phải trả giá đắt. Thời điểm tốt nhất để sử dụng vốn vay là sau một nhịp tăng dài cổ phiếu đi vào điều chỉnh tích lũy lại và chuẩn bị tiếp tục cho đợt bùng nổ mới.
Một điều nữa là khi bạn đã cơ cấu xong danh mục và sử dụng tối đa sức mua, trong quá trình chờ đợi thành quả có thể bạn sẽ tìm thấy một thương vụ khác tiềm năng hơn.
Trường hợp này bạn cần quyết định bán bớt một loại cổ phiếu mà thấy ít tiềm năng nhất để cơ cấu lại danh mục. Hãy biết phân bổ vốn hợp lý vào danh mục và linh hoạt tăng giảm tỷ trọng ở các mốc quan trọng nhằm quản trị rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận bạn nhé.
3. WHEN TO BUY? - MUA KHI NÀO?
Chiếc chìa khóa thứ ba chính là bạn biết mình nên mua khi nào.
Đầu tiên, chúng ta chỉ nên mua khi giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực. Khi bạn mua một cổ phiếu dưới giá trị thực của nó thì mức độ rủi ro của bạn sẽ rất thấp, ngược lại nếu bạn mua một cổ phiếu lúc giá nó đã cao hơn giá trị thực thì rủi ro bạn mua phải vùng giá đỉnh là không hề nhỏ. Để biết một công ty đáng giá bao nhiêu bạn cần biết phân tích cơ bản, từ đó bạn có thể tính ra được giá trị thực của cổ phiếu hay nói cách khác là bạn có thể định giá được doanh nghiệp.
Trước khi tiếp tục, ta cần tìm hiểu giá trị cổ phiếu như thế nào thì được xem là cao hay thấp. Ví dụ: một cổ phiếu có giá 50.000đ và một cổ phiếu có giá 5000đ thì cái nào đắt hơn. Cho phép tôi hỏi bạn: theo bạn thì có hai căn nhà, một căn giá 5 tỷ và một căn nhà 10 tỷ thì căn nhà nào đắt hơn. Tất nhiên là không thể nói ngay được. Đắt hay rẻ còn tùy vào kích thước, vị trí, kết cấu nhà và các tiện ích xung quanh. Nếu là căn chung cư hạng trung và chỉ có 2 phòng thì cái giá 5 tỷ là quá đắt. Nếu căn nhà 10 tỷ lại là căn biệt thự cao cấp rộng rãi, ở khu trung tâm, giá trị thực 20 tỷ mà bán có 10 tỷ thì quá rẻ. Thử hỏi trên đời có ai dại dột bán một vật giá trị 50.000đ để lấy có 10.000đ không? Vậy mà chuyện này lại xảy ra như cơm bữa trên thịt trường chứng khoán đấy! Có vô số nhà đầu tư bán cổ phiếu giá trị 100.000đ chỉ để lấy một nửa! Không có kiến thức tài chính, họ đâu biết giá trị thực của cổ phiếu là bao nhiêu và thường bán tống bán tháo vì sợ hãi mỗi khi có tin xấu! Trong khi ấy, không ít người bỏ ra 5.000đ để mua những cổ phiếu đáng giá 2000đ tưởng là rẻ cũng vì không biết nó có giá trị bao nhiêu và chỉ làm theo tâm lý đám đông. Điều này cũng tương tự như việc bỏ 5 tỷ ra để mua căn nhà chỉ đáng 1 tỷ.
Trở lại việc đánh giá cổ phiếu, bạn không thể nói ngay cổ phiếu giá 50.000đ là đắt hay rẻ so với cổ phiếu 5000đ cho tới khi biết được giá trị thực của nó. Giá trị thực của một công ty được xác định dựa trên tiêu chí công ty đó kiếm được bao nhiêu lợi nhuận mỗi năm và số lợi nhuận đó có khả năng tăng trưởng như thế nào trong tương lai. Theo kinh nghiệm của tôi thông thường các cổ phiếu có giá dưới 10.000 đều là các công ty rác và có giá cao hơn giá trị thực. Còn các công ty có mức giá 50.000đ, 100.000đ hay cao hơn nữa nhìn có vẻ đắt tuy nhiên hầu hết là các công ty tốt và có tiềm năng tăng giá nhiều trong tương lai. Những công ty như thế về lâu về dài giá sẽ có xu hướng tăng lên mặc dù trong ngắn hạn bạn không thể đoán được biến động giá của nó.
Tiếp đến chúng ta không vội vàng mua một cổ phiếu khi nó đang rẻ hơn giá trị thực bởi vì cổ phiếu rẻ có thể sẽ rẻ hơn, giảm nhiều rồi vẫn có thể còn giảm nhiều nữa. Chúng ta chỉ nên mua khi cổ phiếu chuẩn bị đi lên, không nên mua khi cổ phiếu đi ngang hoặc đã tăng một đoạn dài, càng không nên mua khi cổ phiếu đang đi xuống. Để làm được điều này bạn phải biết đọc biểu đồ và phân tích kỹ thuật. Chiếc chìa khóa này sẽ quyết định 30% thành công của bạn.
Vậy một điểm mua chuẩn của một hệ thống giao dịch là một điểm mua như thế nào? Đó là điểm mua thỏa mãn 3 tiêu chí sau:
Một là điểm mua đó có ý nghĩa gì? (có tín hiệu đảo chiều hoặc tín hiệu kết thúc điều chỉnh, suy yếu xu hướng giảm, tiếp diễn xu hướng tăng hay xác nhận xu hướng tăng mới…)
Hai là nếu sai thì điểm mua ở đó sẽ dừng lỗ ở đâu? (thủng hỗ trợ gần nhất, xu hướng tăng có dấu hiệu suy yếu hay xác nhận xu hướng giảm tiếp diễn…)
Ba là điểm kỳ vọng chốt lời ở đâu? (chốt lời ở gần đỉnh cũ, vùng kháng cự mạnh hoặc đo bằng fibonaci…)
4. WHEN TO SELL? - KHI NÀO BÁN?
Tổng ba chiếc chìa khóa trên quyết định 60% thành công của lần giao dịch của bạn. Chiếc chìa khóa cuối cùng còn lại sẽ quyết định 40% thành công và nó là chiếc chìa khóa quan trọng nhất, đó là bạn biết khi nào bạn bán ra. Sau khi chúng ta thực hiện mua xong một cổ phiếu sẽ có hai trường hợp xảy ra. Một là cổ phiếu của bạn giảm điểm và bạn bị lỗ, hai là cổ phiếu tăng điểm và bạn có lời.
Nếu không may trường hợp một xảy ra bạn cần phải bán ra khi cổ phiếu vi phạm nguyên tắc cắt lỗ. Bạn phải biết rằng thị trường hoàn toàn có thể sẽ không đi theo dự đoán của bạn và cổ phiếu hoàn toàn có thể giảm 50% bởi vì một lý do nào đó mà bạn không ngờ tới, vì thế nếu lần đó bạn sai phải cắt lỗ ngay lập tức để tránh thiệt hại cho tài khoản. Để tránh bị tâm lý sợ mất tiền khi cắt lỗ bạn nên tạo dựng thói quen sử dụng lệnh điều kiện để đóng lệnh tự động.
Nếu như trường hợp hai xảy ra, bạn nên giữ cổ phiếu cho đến giá mục tiêu hoặc khi giá đảo chiều xu hướng và đi xuống. Tại sao? Nếu bạn chốt lời quá sớm khi mà cổ phiếu vẫn có thể tăng tiếp thì bạn rất dễ bán cổ phiếu mạnh ra và mua cổ phiếu yếu vào hoặc sẽ phải mua lại cổ phiếu này ở giá cao hơn. Hơn nữa nếu bạn chốt lời với mức lợi nhuận thấp nó sẽ không thể bù lại được những lần bạn mua sai và phải cắt lỗ để bảo toàn vốn. Một lưu ý khác là một khi bạn đã có lãi thì không được để lỗ ngược, để làm được điều này thì bạn cần liên tục nâng điểm đóng lệnh lên sau mỗi lần giá tăng lên một đoạn để giữ được một phần lợi nhuận mà bạn đang có.
Lỗi mà các trader hay mắc phải nhất chính là họ tập trung toàn bộ thời gian, công sức vào chìa khóa một. Họ luôn tìm những lời khuyên: Tôi nên mua gì? Cổ phiếu nào tốt? Biết mua cái gì vẫn chưa đủ bởi vì bạn có thể mua đúng cổ phiếu nhưng sai thời điểm và cuối cùng là bị thua lỗ hoặc hòa vốn sau nhiều năm. Những trader giỏi sẽ không bao giờ giữ các khoản lỗ trong tài khoản lâu, họ luôn tận dụng vốn của mình để tạo ra lợi nhuận hàng năm. “